Gia Khâu - Bản làng du lịch sinh thái trên Lai Châu
Dấu ấn thiên nhiên và con người
Phần lớn cư dân sinh sống ở bản Gia Khâu I là người Mông. Các nét văn hóa dân tộc của bà con nơi đây vẫn được gìn giữ và bảo tồn từ trang phục, nếp nhà truyền thống, lễ hội dân tộc, văn hóa ẩm thực, nghề dệt thổ cẩm, tập quán canh tác... Gia Khâu I còn được biết đến với Lễ hội Gàu Tào, một trong những lễ hội cổ truyền của đồng bào người Mông, được tổ chức thường niên tại đây trong hai ngày 14 và 15 tháng Giêng âm lịch hằng năm.
Bản nằm trong lòng thung lũng trù phú, chung quanh là núi đá vôi hùng vĩ. Tại đây, hệ sinh thái trong lành, môi trường vẫn còn hoang sơ. Ẩn mình trong núi đá vôi được che chở bởi những cánh rừng nhiệt đới, hệ thống hang động Gia Khâu I đang trở nên nổi tiếng bởi sự lộng lẫy, kỳ vĩ và huyền bí mà tạo hóa đã hào phóng ban tặng cho vùng đất này.
Theo chân người dẫn đường lên các hang động tại đây, đi qua con đường nhỏ được làm từ những tảng đá tai mèo, chúng tôi có dịp trải nghiệm cảnh quan nơi đây. Tiếng chim rừng, nương ngô mới lên lá xanh mướt trải theo triền đất rừng màu mỡ. Được biết, con đường được bà con thôn Gia Khâu I chung sức chỉnh trang rải đá dẫn đến từng hang, thi công trong gần hai tháng. Trong quãng đường lên các hang, giữa chặng được bố trí những ghế ngồi nghỉ. Các biển chỉ đường mới được lắp đặt thể hiện cách làm du lịch chuyên nghiệp. Đường điện thắp sáng đã được kéo tới các hang.
Thấy chúng tôi băn khoăn khi thấy những dãy hố hai bên đường đi, anh Đẳng, cán bộ Văn phòng thành ủy Lai Châu cho biết: Sắp tới, chúng tôi sẽ trồng đào, mận bên dọc lối đi. Thành phố lo cây giống. Bà con phụ trách khâu chăm sóc. Các hố phải đào đúng tiêu chuẩn 80 x 80 cm, được tưới bón đầy đủ để cây có đủ chất dinh dưỡng cho tăng trưởng. Về lâu dài những cây, hoa đặc trưng vùng Tây Bắc sẽ là điểm nhấn trong suốt cuộc du hành của khách thăm tới hệ thống hang động nơi đây. Hệ thống hang động Gia Khâu đã được xếp hạng di tích cấp tỉnh, thành phố.
Từ điểm đón khách, để đến được hệ thống hang động (hang Ron, hang Khỉ và hang Gấu), phải đi qua đoạn đường dài 1,7 km. Các hang ẩn mình trong núi đá có lối vào dễ dàng. Đây là những hang động có nhiều nét đặc sắc, dưới kiến tạo của tự nhiên đã tạo ra những lớp thạch nhũ uốn lượn, nhiều màu sắc. Mỗi hang có những nét đặc sắc riêng. Nhưng hang Gấu được coi là đẹp nhất với lòng hang rộng, nhiều nhũ đá đẹp kỳ ảo. Trải qua quãng đường leo núi vất vả, được ngắm nhìn những kỳ quan của tạo hóa, mọi mệt mỏi chợt tan biến hết. Chỉ còn lại sự say mê trước những vẻ đẹp của thiên nhiên đã ban tặng cho con người.
Nhiều người đã ngợi ca hang Pusamcap là Tây Bắc đệ nhất động, nhưng đến Gia Khâu I, tới thăm hang Gấu, vẻ đẹp cũng thật khó diễn tả thành lời.
Một cách làm đúng với du lịch sinh thái cộng đồng
Bản Gia Khâu I với những nếp nhà người Mông ẩn mình dưới bóng mát cây xanh. Người dân trong bản với nụ cười thân thiện, mộc mạc luôn tạo cảm giác gần gũi cho khách thăm. Gia Khâu I đang trở thành điểm du lịch sinh thái cộng đồng hấp dẫn. Thành phố Lai Châu đã có chủ trương xây dựng Gia Khâu I trở thành điểm đến mỗi khi khách đến Lai Châu.
Đến thăm gia đình anh Sùng A Sinh, người dân trong bản, khi anh đang láng xi-măng khoảng sân rộng cẩn thận, sạch sẽ. Anh Sinh chia sẻ: "Gia đình đã đón nhiều đoàn du khách tới đây. Ở đây gia đình phục vụ du khách bằng những món ăn dân dã, do khách đặt. Thực phẩm do gia đình có hoặc lấy từ rừng như rau bò khai, mồng tơi rừng... đến thịt heo, thịt gà, mèn mén...".
Sùng A Sinh kể chuyện giọng hồ hởi, tự nhiên. Anh cứ mời khách uống nước kẻo khát. Cái cách anh kể chuyện thật mộc mạc khiến chúng tôi thấy gần gũi và dễ chịu.
Tại điểm đón khách đầu bản, chúng tôi gặp chuồng nuôi chim đà điểu, công, trĩ..., gian nhà đón khách được trang trí công phu với nhiều sản vật nông nghiệp do bà con dân tộc nơi đây sản xuất. Đường trong bản được lát đá bằng phẳng, sạch sẽ. Bao quanh bản với đồng cỏ, ruộng lúa, nương ngô đan xen xanh mướt. Bên những chái nhà, những bắp ngô treo vàng óng ánh lên vẻ trù phú, no ấm. Nước sinh hoạt nơi đây đầy đủ và bảo đảm vệ sinh do lấy từ nguồn trong núi đá, nhiều gia đình có bể chứa nước và vòi sạch sẽ.
Không chỉ có cảnh đẹp, ẩm thực truyền thống, việc tổ chức, xây dựng những tiết mục văn nghệ của bà con cũng thể hiện hướng đi đúng trong mô hình tổ chức du lịch. Chị Tẩn Thị Dinh, đội trưởng đội văn nghệ của xã phấn khởi kể: "Đội văn nghệ có 10 người, trong đó có sáu chị em là người trong bản. Đội văn nghệ phục vụ cho khách du lịch khi có yêu cầu. Các tiết mục văn nghệ như múa ô, hát, thổi khèn đều là những chương trình do đội dàn dựng và là nét văn hóa của bà con dân tộc Mông nơi đây".
Đến Gia Khâu I để được thăm thú phong cảnh hữu tình, thăm hệ thống hang động kỳ vĩ với những hình thù lạ mắt, để gặp những người dân hiền hòa, thân thiện và mến khách. Được thưởng thức mâm cơm quê với những món ăn truyền thống thanh tao mà ngon miệng, hẳn mỗi người đều ra về với ấn tượng khó quên về một mô hình du lịch sinh thái đầy hấp dẫn nơi núi rừng Tây Bắc.
Điểm đón khách tới thăm hệ thống hang động Gia Khâu. Ảnh: Phan Anh
Nhiều giống chim quý được đưa về đây nuôi phục vụ du khách tham quan. Ảnh: Phan Anh
Khu nhà đón tiếp giới thiệu nhiều sản vật đặc trưng của bà con nơi đây. Ảnh: Phan Anh
Con đường lát đá dẫn lên hệ thống hang động Gia Khâu chạy qua nương ngô được bà con chung sức thực hiện trong thời gian ngắn. Ảnh: Phan Anh
Thạch nhũ hoang sơ kỳ ảo trong hang Gấu. Ảnh: Văn Anh
Cây ngô là nguyên liệu tạo nên món ăn mèn mén của bà con dân tộc Mông, cũng là nét ẩm thực độc đáo dành cho du khách trải nghiệm. Ảnh: Phan Anh
Hệ thống nước sinh hoạt trong bản đầy đủ, bảo đảm vệ sinh. Ảnh: Phan Anh
Đường trong bản được lát đá sạch sẽ. Ảnh: Phan Anh
No comments:
Không spam , comment những lời nói thô tục